Thứ Năm, 25 tháng 10, 2007

Nhà pha chế rượu bậc thầy Chivas Brothers thăm VN

Vui vẻ, dễ gần và có khả năng hùng biện, Colin Scott là bậc thầy về pha chế rượu và đã có kinh nghiệm pha chế Chivas Brothers trong hơn 30 năm. Ông là người bảo đảm chất lượng và hương vị nổi tiếng của thương hiệu Chivas Regal. Ông cũng là người tạo ra Chivas Regal 18 Year Old “Gold Signature”.


Lần đầu tiên, Colin Scott đến thăm Việt Nam để giới thiệu về những đam mê đã tạo nên huyền thoại và chia sẻ những trải nghiệm mới về vị giác. Đây cũng là dịp ông gặp gỡ báo chí và doanh nhân tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và cùng thưởng thức Chivas Regal đậm đà hương vị mạch nha hòa cùng hương sôcôla đắng dịu nhẹ.

Công việc của một nhà pha chế rượu đòi hỏi cùng lúc phải có tính sáng tạo, nghệ thuật và kỹ thuật. Đó phải là người có năng lực sử dụng được lợi thế của khứu giác và vị giác kinh nghiệm và trí nhớ để đánh giá và nhận biết các loại rượu mỗi ngày và đồng thời hiểu được tác dụng của việc tương tác nhiều hương vị rượu khác nhau. Mỗi tuần, Colin dùng mũi để nhận biết các loại thức uống mới dành riêng cho Chivas Regal sau này để đảm bảo chất lượng và đặc tính của chúng đều đạt tiêu chuẩn chấp nhận. Ông còn quản lý các loại rượu đã đến tuổi trong hầm rượu khổng lồ của Chivas Brothers ở tất cả các khâu cho đến công đoạn pha chế cuối cùng.

Do vậy, Colin hiểu được tất cả các đặc tính của từng loại rượu – cách nấu của từng loại và đặc tính mà rượu đó sẽ có được trong 12, 18 hoặc thậm chí 40 năm sau tùy vào loại thùng chứa mà chúng được ủ. Ông sẽ dự đoán loại rượu nào sẽ thích hợp cho Chivas Regal và quan trọng hơn là khi nào chúng có thể sẵn sàng phục vụ.

Với 30 năm trong nghề, Colin đang tiếp nối truyền thống gia đình. Ông nội và bố của Colin đã cống hiến cả cuộc đời mình cho ngành công nghiệp whisky Scotch, có nghĩa là có đến gần 100 năm chế biến whisky trong gia đình Scott này.

Chivas thành công nhờ vào chất lượng của sản phẩm và sự nhất quán trong quan điểm của Colin Scott: “Người uống whisky trên thế giới có thể cảm nhận được sự êm dịu và hương vị thức uống tăng lên trong khi nhấp nháp. Tôi tin rằng các cung bậc hương vị khác nhau có sức hấp dẫn nhiều hơn là một hương vị”. Thách thức lớn nhất của nhà pha chế rượu này là – nấu chảy một dãy mạch nha để tạo nên hỗn hợp ngọt ngào và đậm đà.

Tạo nên một kiệt tác

Ông Colin Scott cho biết: “Phải có kinh nghiệm, cảm hứng và lòng kiên nhẫn mới tạo nên loại whisky hảo hạng. Khi tôi chọn các thùng chứa Chivas Regal 18 “Gold Signature” làm bằng tay, tất cả những gì mà tôi mong muốn là tạo ra một hỗn hợp đậm đà khác biệt. Kết quả thật là độc đáo và vì thế tôi thật sự tự hào khi viết chữ cái đầu và ký tên mình trên mỗi chai Chivas Regal.”

Chiếc mũi cho sự hoàn hảo

Công việc của nhà pha chế rượu là sử dụng sự sáng tạo mang đầy tính nghệ thuật và kỹ thuật cùng lúc. Phải có khả năng sử dụng lợi thế của khứu giác và vị giác, kinh nghiệm và trí nhớ để đánh giá và nhận biết các loại whisky hàng ngày và biết rõ các loại whisky này tương tác với nhau như thế nào. Colin giải thích: “Khi đánh giá một mẫu thử, bạn nhận thức rằng bạn là người phải ra quyết định. Bạn không được sợ hãi. Đó không đơn thuần là việc bạn có muốn hay không. Cũng không có từ “có thể” khi bạn quyết định tạo nên một loại hỗn hợp Chivas nào đó”.

Colin nắm bắt tất cả đặc điểm của từng loại whisky và kiến thức này đóng vai trò rất quan trọng khi tạo ra Chivas Regal 18 năm – một hỗn hợp mới với thời gian chưng cất khá lâu.

Điểm cơ bản của Whisky

Colin Scott không nói rõ nhưng chúng ta cũng hiểu được rằng ông luôn không ngừng suy nghĩ về whisky và các lọai hương vị một phần là do ông được trưởng thành trong một gia đình có truyền thống làm rượu lâu đời. Khi còn là một cậu bé ở Orkney Islands, Colin thường nghe người lớn nói về việc làm rượu whisky. Niềm đam mê về làm rượu whisky đã sớm phát triển trong ông và ông đã đi làm tại một một xưởng chưng cất rượu . Colin nói: “Bí quyết đi đến thành công của nhà pha chế rượu là lòng đam mê, sự cống hiến và dĩ nhiên là có cả chiếc mũi có khả năng phân biệt được mùi để nhận biết những hương vị khác nhau của rượu whisky. Trở thành nhà pha chế whisky bậc thầy là một thử thách và tôi rất thích thú khi học hỏi được nhiều từ những thách thức đó”.

Truyền thống của các nhà pha chế rượu bậc thầy

Nhóm các nhà pha chế rượu Chivas Brothers’ được hình thành từ khi James và John Chivas tạo ra loại whisky hỗn hợp đầu tiên. Với việc tạo ra Chivas Regal 18 vào năm 1997, Colin đã trở thành mắt xích mới nhất, kết nối ông với Charles Howard - người đã tạo ra Chivas Regal đầu tiên vào năm 1909, và James Chivas - người đã tạo ra Royal Glen Dee (hỗn hợp hảo hạng đầu tiên) vào hơn nửa thế kỷ trước.

Với Colin, việc giữ gìn truyền thống này là rất quan trọng: “Bạn không thể sản xuất Chivas Regal hoặc tạo ra sản phẩm mới trừ khi bạn am hiểu truyền thống Chivas Regal. Nền tảng của triết lý dựa này có được nhờ vào phong cách hỗn hợp whisky Scotch được tạo bởi Chivas Brothers vào thế kỷ thứ 19”.

Vì thế, nhà pha chế rượu bậc thầy Colin Scott thừa kế phong cách Chivas Regal mà Jame và John Chivas đã khởi xướng. Ông kết luận: “Tôi tin rằng Chivas Regal 18 Gold Signature là một sản phẩm xứng đáng của truyền thống này. Tôi xem đây là đặc quyền và vinh dự khi được tiếp cận tinh hoa của Chivas Brothers và kinh nghiệm làm các loại whisky với những hương vị đặc biệt được lựa chọn một cách thủ công”.

Theo Hà Nội mới

Rượu nào ly đấy

Chọn ly phù hợp với đồ uống là điều rất quan trọng. Hình dáng, độ rộng là những tiêu chuẩn quan trọng trong quá trình chọn ly. Những người khách sẽ hết sức ngạc nhiên khi được thưởng thức đồ uống trong những chiếc ly thích hợp, ấn tượng của bạn.

Ly uống vang đỏ: Ly uống rượu vang đỏ (Merlot, Aria, Rossi Giovanni, Carbemet, Aria Vini Rossi) phải là ly có chân cao, thân tròn to và rộng để cảm nhận được hương rượu vang đủ đậm và phảng phất.



Ly uống vang trắng: Ly uống vang trắng (Barvera, Nebbiolo, Brunello), có hình phình ra chân cao, thân cao, miệng ly khum lại để uống chậm. Nhờ thân ly dài nên khi uống cảm nhận được hương rượu thơm và để ly tạo hình ảnh thanh thoát, đẹp mắt.



Ly uống Sâm-panh: Thích nhất là dùng những ly trong suốt để có thể nhìn thấy bọt và mầu sắc của rượu. Theo chuyên gia nên chọn ly có chân hình tulip mà miệng của chúng uốn cong vào phía trong vì ly như thế mới giữ được tốt nhất những bọt nhỏ ly ti của rượu. Nếu miệng ly loe ra hương thơm của rượu sẽ nhanh bị hả. Sâm-panh thường được rót 2/3 ly. Bạn nên rửa thật sạch và lau thật khô trước khi dùng, nếu không nước sẽ làm mất nhiều bọt của rượu.



Ly uống rượu mạnh: Ly uống rượu mạnh (Cognac, Brandy) là những ly nhỏ chân thấp, bụng phình ra miệng chúm lại hoặc ly không chân.



Ly uống nước, cocktail, rượu trái cây ngọt: Loại ly thích hợp cho các đồ uống này thường có chân ngắn, thân dài ra rộng, miệng rộng ngang bằng chân ly. Hoặc dùng loại không chân, thân ngắn, bụng phình rộng ra, miệng rộng.



Tuỳ từng ý thích mà bạn chọn khích thước, mầu sắc và chất liệu để hoàn thiện hơn nghệ thuật uống của gia đình mình.

Tết và chuyện bia rượu

Ta lại tiếp tục seri bài về chuyện Tết. Tết này một trong những điểm khác biệt rõ nhất của ta so với Tết năm ngoái đó là bia rượu. Tết này ta không Karaooke, không tụ tập nhậu nhẹt, chỉ uống một ít vào đêm giao thừa cũng mấy người trong khối, còn lại không đụng đến một tí bia rượu nào cả. Có thể mọi người sẽ cho là Tết núc mà như thế thì kém vui đi. Nhưng ta thì lại không thấy thế. Vui chứ, bắn pháo Hoa đêm giao thừa này, chơi điện tử với thằng em này,...và nhiều nhiều điều vui vẻ khác nữa. Tết này ta cảm thấy ý thức được hơn về sức khoẻ, và ta vẫn cứ giữ nguyên suy nghĩ là rượu chẳng có gì gọi là tốt cho cơ thể của mình cả. Ta biết uống rượu, nhưng chưa bao giờ ta thấy rượu ngon cả. Ta sợ những cơn đau dạ dày lắm rồi. Nhưng tất cả những thứ đó chưa phải là nguyên nhân chính cho việc Tết này ta hạn chế bia rượu. Bố ta dạo này lại hút thuốc, hay uống rượu, sức khoẻ của ông giảm sút một cách rõ rệt. Ta, mẹ ta và em trai ta đã nhiều lần thuyết phục bố bỏ thuốc, hạn chế rượu nhưng bố ta vẫn chưa dứt những thứ đó ra được. Ta sợ một ngày nào đó rồi ta cũng sẽ uống nhiều rượu, mà khi có 2 cái đầu nóng vì rượu trong cùng một mái nhà thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra cả. Hơn nữa, nếu ta cũng uống nhiều rượu thì cũng chẳng hi vọng gì thuyết phục được bố ngừng hút thuốc, giảm rượu bia. Ai đó đã nói rằng: Một thằng con trai không thể không biết uống rượu, ừ thì cứ cho nó là đúng đi, không thể không biết uống, nhưng hạn chế uống thì có thể. Còn gì tuyệt vời hơn cho một sự thay đổi khi nó bắt đầu vào mùa xuân phải không nào? Thế nên ta quyết định sẽ hạn chế việc bia rượu tới mức có thể bắt đầu ngay từ Tết này. Và ta nghĩ ta đã làm đúng...

Chọn rượu vang cho món Việt

Theo quy tắc cơ bản về chọn rượu theo món ăn thì món ăn địa phương nào sẽ đi kèm hợp với rượu địa phương đó và chắc chắn rượu Tây sẽ hợp với món Tây. Nhưng nếu ăn món ta mà uống rượu Tây thì sao?

Thật ra, cũng khó để chọn lựa đúng bài bản rượu vang nào cho thức ăn Á Đông nói chung và món Việt nói riêng. Nhưng theo người phương Tây, món Á hoặc Việt thích hợp nhất với vang bọt, vang hồng, vang trắng hoặc vang đỏ nhẹ. Để phân tích đơn giản sự tương hợp này, cần biết một số thành phần và tính chất của rượu vang và món Việt.

Rượu vang có cồn tạo vị nồng, vị chát (tanin), vị chua (acid), vị ngọt, chất hữu cơ có mùi thơm. Các tính chất này hoà quyện với nhau tạo nên đặc điểm riêng cho rượu vang. Vang đỏ nhiều tanin, ít acid nên chát và ít chua hơn vang trắng. Cấu tạo của vang đỏ thường đậm đà và “chắc” hơn vang trắng.

Về phía thức ăn, cũng cần sự phân tích tương tự về cấu trúc, độ đậm đà, mùi vị, dư vị, sự cân đối, các vị chua-cay-mặn-ngọt… Cả hai cần được phân tích sâu hơn về vị giác lưu lại trên lưỡi, nhưng điều này đi quá xa so với phần phân tích giản đơn của chúng ta.

Chọn rượu vang cho thức ăn làm sao hợp với nhau cũng giống như chọn bạn mà chơi hoặc tìm ý trung nhân. Hai bên cần có những tính chất tương đồng để bổ sung cho nhau, hoặc có những nét tương phản bổ khuyết cho nhau, nhưng không được phá nhau hoặc bên này quá trội lấn át bên kia. Điều này cũng cho thấy rượu vang đi kèm thức ăn phù hợp hơn bia và rượu mạnh.

Người ta thường khuyên nên chọn vang trắng cho hải sản và vang đỏ cho thịt đỏ. Điều này quả không sai. Để giải thích, hãy lấy ví dụ như khi ta ăn cua hấp thì nên chọn vang trắng thơm và nhẹ. Cua có vị ngon, thịt mềm và nhẹ (không chắc như thịt heo, bò), hơi tanh, có thể mặn. Vang trắng cũng có những đặc điểm tương tự như thơm, ngon, nhẹ, không quá “chắc” như vang đỏ, hơi chua, ít chát và các tính chất này hỗ trợ và tương hợp với tính chất của món cua hơn là vang đỏ. Khi ta có món bò nướng thì nên chọn một loại vang đỏ vừa với các phân tích tương tự như trên.

Món ăn Việt thường không theo cách chế biến châu Âu mà có những nét riêng. Nguyên liệu chế biến thường pha trộn chứ không thuần một loại, ví dụ hủ tiếu có tôm nhưng nước lèo nấu từ xương và thịt heo. Nước mắm thường được dùng để nêm nếm hoặc làm nước chấm. Gia vị và nước chấm cũng rất đa dạng. Do đó khi xét món ăn, cần lưu ý nguyên liệu gì, cách nấu, gia vị và nước chấm đi kèm. Tất cả các yếu tố này quyết định mùi vị của món ăn.

Rượu vang trắng làm từ nhiều loại nho. Các giống nho được xếp theo thứ tự độ đậm đà giảm dần là Riesling, Chardonnay, Sauvignon Blanc, Semillon, Chenin blanc, Colombard… Vang đỏ với các giống nho theo độ đậm giảm dần là Shiraz, Cabernet, Grenache, Mataro, Pinot Noir, Merlot… Độ đậm của rượu còn tuỳ vào tuổi cây nho, đất trồng, vùng khí hậu và cách làm rượu.

Nhiều người Việt thích vang đỏ hơn. Nhưng để dễ hoà hợp với các món hải sản, cần bắt đầu thử với vang đỏ nhẹ. Loại vang đỏ đậm có nhiều vị nồng và chát sẽ át hết các tính chất nhẹ, thơm, mềm của hải sản.

Hãy thử sự tương hợp giữa các món bò, dê, cừu có các cách chế biến quay, chiên với vang đỏ vừa hoặc món nướng với vang đỏ đậm. Cách chế biến làm tăng độ đậm là luộc-hấp, chiên-xào, quay-nướng. Gia vị và nước chấm cũng ảnh hưởng đến khẩu vị cuối. Do đó, cần chọn rượu vang đỏ theo các yếu tố đó. Thường là vang đỏ nhẹ cho món luộc hấp, vang vừa cho món chiên xào và vang đậm cho món quay nướng. Thí dụ khi ăn bò tái chanh, có thể chọn River Breeze, Cabernet giá khoảng 130.000 đồng/chai. Nhưng nếu dùng thịt dê nướng thì Hedge Lane Shiraz là lựa chọn tốt với giá mềm nhất (189.000 đồng).

Tóm lại, khi chọn rượu cho món ăn Việt, cần xem món ăn đó làm từ nguyên liệu gì, cách nấu nướng ra sao, gia vị gì và dùng với nước chấm gì, rồi cũng theo nguyên tắc hải sản, thịt trắng (gà, heo, bê) đi với vang trắng và thịt đỏ kèm vang đỏ. Tuỳ cách chế biến luộc-xào-nướng để chọn loại rượu vang nhẹ-vừa-đậm cho phù hợp. Ngoài ra, cần xét đến gia vị và nước chấm đi kèm có ảnh hưởng đến các nguyên tắc trên hay không. Nếu cần thì tăng độ đậm của rượu vang theo độ đậm của gia vị và nước chấm.

Một xu thế hiện nay là phá cách trong lựa chọn vang - món ăn: cứ uống vang gì bạn thích mà không cần phải xét đến món ăn nào để chọn rượu và đừng quá câu nệ vào nguyên tắc cổ điển nữa. Một điều bạn cần biết là trái với thông thường, dân mê rượu vang sẽ chọn rượu vang trước khi chọn món ăn.

Theo VnExpress (Ngoisao.net)

LÀM RƯỢU VANG TRÁI CÂY Ở GIA ĐÌNH

Quả (trái cây) vừa chín, hái xuống ăn tươi là tốt nhất: màu sắc, hương vị ở mức tối đa, giá trị dinh dưỡng cao còn nguyên vẹn. Nhưng quả có mùa, yêu cầu tiêu thụ thì liên tục. Quả lại dễ bị giập nát, không chịu vận chuyển, do đó ngày càng đắt, trở thành một xa xỉ phẩm ngay cả nước ta có quả ăn quanh năm. Chế biến quả để bảo quản được lâu, mang đi xa, vì vậy đang trở thành nhu cầu bức thiết, bảo đảm cho người trồng quả có chổ tiêu thụ, bán được giá cao, người tiêu dùng có quả quanh năm, nghề trồng quả có thể phát triển rộng thêm.
Có nhiều cách bảo quản và chế biến: phơi khô, ngâm trong dầu, trong nước đường, nước muối, làm mức, kẹo... Chế rượu vang quả là một phương pháp chế biến đặc biệt: ép quả lấy nước, sử dụng một loại vi sinh vật (men) để biến nước quả thành một dung dịch trong có nhiều chất hữu cơ và vô cơ phức tạp. Ngoài nước ra, thành phần chủ yếu trong dung dịch này là cồn êtilic có mặt trong tất cả các loại rượu, nên gọi là rượu vang quả. Thêm từ "vang" vào đây để phân biệt với nhiều loại rượu khác không hình thành do lên men tự nhiên nước quả mà chủ yếu do pha trộn nước lã, cồn, đường và nhiều chất phù trợ khác để thêm hươg vị, màu sắc.
Trên thế giới có nhiều loại quả trồng chỉ với mục đích để chế rượu quả. Điển hình nhất là quả " Nho rượu " khác với nho ăn tươi. Hiện nay, hàng năm người ta sản xuất tới 20 triệu tấn nho rượu chế tạo hàng chục tỉ lít rượu vang nho. Có những nước như nước Pháp mỗi ngày tiêu thụ 1/2 lít rượu cho mỗi đầu người. Được như vậy vì ngoài cồn êtilic thỏa mãn một nhu cầu phổ biến của con người, rượu vang quả còn là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao có lợi cho sức khỏe nếu uống có điều độ.

Rượu xuân _ Thơ NGUYỄN NHO KHIÊM

Em rót rượu hồng đào
Đà Nẵng nắng xuân thơm
Rượu hồng và môi đỏ
Cháy thắm chiều cuối năm.

Rượu hồng đào em rót
Sơn Trà xốn xang mây
Nước sông Hàn hóa rượu
Và lòng ai ngất ngây.

Dòng sông yêu xanh chảy
Tóc em dậy hương đồng
Qua bến bồi bến lở
Em gương phố lòng sông!

Anh rót xuân thành rượu
Em rót rượu thành xuân
Đà Nẵng, em và anh
Chung nhau ly rượu mừng!

Vì sao đàn ông uống rượu?

Phụ nữ thường lên án khi thấy đàn ông uống rượu nhưng họ không biết rằng nhiều lúc chàng không hề muốn uống rượu vì những lý do rất riêng mà họ phải hăm hở nâng ly. Dưới đây là vài bí mật của đàn ông với rượu bạn nên biết để thông cảm với họ.

1. Uống rượu để phân định ngôi thứ

Rất nhiều trường hợp, đàn ông dùng rượu để chứng tỏ bản lĩnh của mình. Khi mới gặp mặt, khi có những người phụ nữ xinh đẹp và nhất là khi họ đang cùng tán một cô gái, đàn ông dùng chén rượu để chứng tỏ bản lĩnh.

Người nào cũng mong muốn đối thủ của mình hoặc phải chắp tay xin xỏ hoặc phải “gục” tại chỗ. Đôi lúc chỉ riêng đàn ông với nhau nhưng họ cũng muốn phân định ngôi thứ, đẳng cấp với nhau bằng rượu. Người nào tửu lượng cao hơn đương nhiên nhận được sự tôn trọng của mọi người và ngược lại, kẻ chiến bại phải chấp nhận ở vị trí thấp hơn.

2. Uống chỉ vì sĩ

“Tôi không say, mới uống có bằng ấy say thế nào được”, nhiều đấng nam nhi uống rượu chỉ vì sĩ diện. Lúc này, họ đã quá tầm để phân định ngôi thứ hay để phân định thắng bại. Đàn ông lúc này đã bắt đầu “nhòe hình méo tiếng” nhưng vẫn cứ uống vì sợ bị coi thường.

Thông thường những anh chàng này sẽ kết thúc cuộc rượu bằng cách “cho chó ăn chè”. Đàn ông thông minh đôi lúc trong những tình thế nhất định buộc phải tham gia cuộc rượu nhưng thường họ không uống vì sĩ diện. Những anh chàng ba hoa dễ mắc chứng bệnh này và cùng với thời gian anh ta sẽ dễ trở thành kẻ nát rượu.

3. Đàn ông rất ghét kẻ nát rượu

Hay uống rượu nhưng rất bất ngờ là đàn ông ghét những kẻ nát rượu không kém gì phụ nữ. Đàn ông tôn trọng những người uống rượu “như uống nước lã”, “càng uống mặt càng tái”, chấp nhận những người “biết mình say đứng lên tìm chỗ chết”, nhưng rất dị ứng với những kẻ nát rượu.

Thông thường, những kẻ nát rượu dễ làm cả bọn bị mang tiếng. Dù cùng uống với nhau nhưng đàn ông vẫn bị xấu hổ khi trong bọn có kẻ nát rượu. Cùng với thời gian, những kẻ nát rượu dễ bị xa lánh và chỉ còn biết tụ tập với những người cũng nát như mình.

4. Bạn thân gặp nhau: Không thể không có rượu

Hầu hết những người biết uống rượu khi gặp bạn bè, nhất là bạn thân lâu không gặp, chẳng có lý do gì để ngăn cản họ uống rượu. Hơi men làm cho họ cởi mở hơn, vui vẻ hơn, dốc bầu tâm sự và nhất là dễ dàng hơn trong việc ôn lại những kỷ niệm quá khứ buồn vui với nhau. Chính vì vậy không nên ngăn cản những cuộc rượu của những người bạn thân lâu ngày mới gặp nhau.

Nếu muốn họ không quá say, có lẽ cách tốt nhất là nên... ủng hộ họ vì đằng nào họ cũng sẽ nâng cốc với nhau. Nếu người phụ nữ vui vẻ, hiếu khách, họ sẽ uống tại nhà, ngược lại họ sẽ dẫn nhau ra quán và lúc đó không biết chuyện gì sẽ xảy ra...

5. Có những lúc họ không thích uống rượu

Khi gặp người lạ, ngồi giữa đám đông những người mới quen biết nhau, đàn ông thường không thích uống rượu. Lúc đó họ chỉ uống cho phải phép. Khi gặp bạn bè thân thiết, đàn ông ghét bị ngăn cản uống rượu, nhưng giữa những cuộc rượu vô bổ, đàn ông lại muốn vợ (hay người yêu) ngăn cản để có cớ đứng lên.

Phụ nữ rất cần phải nhạy cảm để phân biệt điều này. Lúc đó, dù đàn ông hoa chân múa tay ra vẻ hăm hở nhưng thực ra trong bụng họ đang muốn tìm cớ để giải thoát. Và đương nhiên, một sự ngăn cản của phụ nữ sẽ là cái cớ rất tốt để họ dừng lại.